News

Chủ động phòng bệnh đốm trắng trên tôm hiệu quả

Đốm trắng là bệnh vô cùng nguy hiểm trên tôm, chúng thường gây ra tỷ lệ chết từ 90-100% chỉ trong từ 3-10 ngày nhiễm bệnh. Bệnh đốm trắng thường xuất hiện vào mùa lạnh khi nhiệt độ xuống dưới 32 độ C. Vậy nguyên nhân gây bệnh là gì? Dấu hiệu ra sao? và cách phòng bệnh đốm trắng như thế nào cho hiệu quả? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu trong bài viết này ngay nhé!
Nguyên nhân gây bệnh đốm trắng trên tôm
White Spot Syndrome Virus-WSSV là tên khoa học của virus gây bệnh đốm trắng trên tôm, chúng có chứa Acid Nucleic là DNA và ký sinh trong nhân. Loại virus này có độc lực rất mạnh, có khả năng tấn công vào nhiều mô tế bào khác nhau và thường là tế bào biểu mô trên da. WSSV gây chết trên mọi giai đoạn phát triển của tôm nên bà con nuôi tôm cần đặc biệt quan tâm.
Mầm bệnh đốm trắng có thể xuất phát từ bên trong con tôm hoặc do ảnh hưởng của môi trường nước từ bên ngoài, các ký chủ trung gian. Khi lượng chất thải trong ao tôm nhiều do không được xử lý, môi trường nước bị ô nhiễm hay thời tiết thay đổi đột ngột sẽ tạo điều kiện cho các loại virus bùng phát dịch bệnh trên tôm.

Bệnh đốm trắng vô cùng nguy hiểm có thể gây thiệt hại 100% ao nuôi

Dấu hiệu bệnh đốm trắng trên tôm
Khi tôm nhiễm virus đốm trắng gây ra thì thường có những biểu hiện như dạt vào bờ, giảm ăn, trên thân tôm xuất hiện những đốm trắng tròn nằm dưới lớp vỏ ở giáp đầu, ngực hoặc toàn thân tôm, thân tôm xuất hiện màu hồng tím. Tôm chết hàng loạt và có thể chết 100% chỉ sau vài ngày nhiễm bệnh.

Đốm trắng diễn biến rất nhanh và gây thiệt hại trong thời gian ngắn

Chủ động phòng bệnh đốm trắng hiệu quả
Bệnh đốm trắng là loại bệnh nguy hiểm mà hiện nay vẫn chưa có phương pháp điều trị hiệu quả. Chính vì vậy, bà con nuôi tôm cần nắm vững kiến thức và biết cách phòng bệnh để giảm nguy cơ nhiễm bệnh không mong muốn.
Theo các tài liệu nghiên cứu, bệnh đốm trắng chủ yếu lây qua chiều ngang từ các loại giáp xác như cua, còng… nhiễm bệnh đốm trắng từ môi trường bên ngoài ao nuôi hoặc ngay trong chính ao nuôi.
Vì vậy, khi chuẩn bị ao nuôi tôm bà con cần đảm bảo loại bỏ hết mầm bệnh từ vật trung gian bằng vôi hoặc hóa chất. Vét sạch bùn đáy, rải vôi, phơi khô ao từ 5-7 ngày, loại bỏ các chỗ trú ẩn của cua, còng ở bờ ao.
Khi bơm nước vào ao nuôi, nước cần được lọc qua nhiều lớp để loại bỏ ấu trùng của các loài sinh vật không cho chúng vào ao nuôi trở thành vật truyền bệnh. Sau đó, cần diệt tạp nước trước khi thả nuôi để loại bỏ một số loài cá dữ, cá mang mầm bệnh.
 
Bà con nên chọn con giống khỏe mạnh từ thương hiệu uy tín
Chọn mua con giống tại các cơ sở sản xuất uy tín, được đầu tư quy trình sản xuất bày bản và phải được xét nghiệm đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng.
Quản lý tốt môi trường ao nuôi, thường xuyên kiểm tra các chỉ số và ghi chép lại để đảm bảo phát hiện sự thay đổi kịp thời. Tăng cường dinh dưỡng cho tôm, nhất là vào những thời điểm giao mùa, thời tiết thất thường làm cho tôm dễ nhiễm bệnh.
Sử dụng các chế phẩm sinh học để duy trì môi trường ao nuôi ổn định, Vitamin C, trộn men vi sinh vào thức ăn giúp tăng sức đề kháng cho tôm. Tuyệt đối không được sử dụng thức ăn tươi sống cho tôm vì đây là một trong những nguyên nhân gây bệnh tiềm tàng vô cùng nguy hiểm.
Thực hiện quy trình an toàn sinh học trong suốt quá trình nuôi ao tôm như lưới ngăn chim, rào ngăn động vật xâm nhập sẽ giúp hạn chế được nguy cơ lây lan dịch bệnh từ vùng này sang vùng kia, từ ao này sang ao khác.
Thường xuyên kiểm tra màu sắc tôm, khả năng bắt mồi và tình trạng sức khỏe tôm để kịp thời xử lý khi có vấn đề phát sinh.
Trong trường hợp ao đã nhiễm bệnh đốm trắng cần thực hiện cách ly ngay, nếu tôm đã đạt cỡ thương phẩm thì nên thu hoạch để giảm bớt thiệt hại.
Tôm chết cần mang xa khu vực ao nuôi, chôn vùi cùng với vôi, không vứt ra môi trường bên ngoài. Nếu tôm còn nhỏ bệnh nặng thì phải dùng thuốc sát khuẩn liều cao, tiêu diệt virus trước khi thải bỏ.
Đối với ao nuôi vừa bị đốm trắng, bà con không nên vội vàng thực hiện vụ nuôi tiếp theo mà nên cải tạo môi trường đáy, cho ao nghỉ từ 1-2 tháng. Nên thả cá rô phi để tiêu diệt hết ký chủ trung gian mang mầm bệnh còn sót lại.