Trùn quế có tên khoa học là Perionyx Excavatus, chi Pheretima, họ Megascocidae. Chúng thuộc nhóm trùn ăn phân, thường sống trong môi trường có nhiều chất hữu cơ đang phân hủy, trong tự nhiên ít tồn tại với phần thể lớn và không có khả năng cải tạo đất trực tiếp như một số loài trùn địa phương sống trong đất. Trùn Quế là một trong những giống trùn đã được thuần hoá, nhập nội và đưa vào nuôi công nghiệp với các quy mô vừa và nhỏ. Đây là loài trùn mắn đẻ, xuất hiện rải rác ở vùng nhiệt đới, dễ bắt bằng tay, vì vậy rất dễ thu hoạch. Chúng được sử dụng rộng rãi trong việc chuyển hóa chất thải ở Philippines, Australia và một số nước khác.
Trùn quế chứa hàm dương dinh dưỡng cao cho tôm
Với hàm lượng chất dinh dưỡng cao, trùn quế được xem như nguồn thức ăn tự nhiên khoái khẩu trong môi trường nước ngọt (ao, hồ, sông suối,..) đối với các loài cá, kì nhông, tôm, nhện nước, tôm hùm và một số loài bọ nước. Có thể sử dụng trùn trong cả môi trường nước lợ. Tuy nhiên, trong nước biển nó chỉ tồn tại được vài phút.
Đối với tôm nuôi, cách tốt nhất là xay thịt trùn quế tươi rồi sau đó chế biến thành dịch trùn quế. Lợi ích của dịch trùn quế trong nuôi tôm:
Hàm lượng đạm giúp tôm phát triển nhanh, rút ngắn thời gian nuôi, giảm hệ số thức ăn.
Là khẩu nguồn thức ăn yêu thích của tôm tự nhiên nên bổ sung vào thức ăn kích thích tôm bắt mồi và ăn mạnh.
Dịch thủy phân trùn quế đất là môi trường rất tốt cho hệ vi sinh phát triển, giúp hệ tiêu hóa ổn định.
Trong dịch trùn quế có hàm lượng lớn nhiều loại enzyme có tác dụng tiêu hóa hấp thụ thức ăn.
Lợi ích của dịch trùn quế trong nuôi tôm sạch nếu được lên men bằng công nghệ hiện đại sẽ được phân giải dinh dưỡng trong cơ thể trùn quế ra ở dạng dễ hấp thụ nhất, giúp cho dinh dưỡng từ trùn quế được nâng cao lên gấp nhiều lần. Các acid amin và vi sinh vật trong trùn quế được phát huy tác dụng tốt hơn để cung cấp dinh dưỡng cho tôm và tăng cường hệ tiêu hóa tốt hơn, từ đó giúp tôm tăng sức đề kháng tốt hơn.
Mô hình nuôi tôm sạch bằng trùn quế
Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Phú Yên đã đầu tư nghiên cứu quy trình nuôi trồng thủy sản sạch và nhân rộng các mô hình này trên các vùng nuôi của tỉnh. Bằng phương pháp sử dụng phân trùn để gây màu nước, ổn định tảo, cho thủy sản nuôi ăn thức ăn bổ sung “trùn thịt sấy khô”, “dịch trùn” để tăng sức đề kháng, phòng trừ bệnh hại, hạn chế sử dụng hóa chất, kháng sinh.
Con trùn có tác dụng làm sạch môi trường, hạn chế virus, vi khuẩn phát triển, ngăn chặn mầm bệnh trên tôm, cá nuôi. Theo các nhà khoa học của Viện Môi trường nước quốc gia, trùn đất có khả năng làm sạch nước bị nhiễm bẩn. Trùn đất một khi được cho vào ao hồ bị nhiễm bẩn sẽ phát triển trong vô số những rãnh nhỏ nằm ở lớp đất bùn dưới đáy nước, đồng thời mang theo oxy cần thiết để làm sinh sôi các loại lợi khuẩn và ăn các chất bẩn có trong nước. Chỉ cần phát triển trùn đất với số lượng từ 20.000 – 30.000 con có thể làm sạch một diện tích nước 10.000 m2. Trong phân trùn có rất nhiều kén, 1 kén chứa trung bình từ 1 – 20 trứng (trung bình là 7 trứng), nở ra trùn con trong vòng 14 – 21 ngày, ăn hết các chất bẩn làm sạch môi trường ao nuôi. Đặc điểm chính của phân trùn làm môi trường ao nuôi trong sạch, tảo ổn định do tác dụng của các vi khuẩn có lợi có trong phân trùn: Vi khuẩn cố định đạm, vi khuẩn nitơ hóa… các chỉ tiêu môi trường ao nuôi ổn định làm tôm, cá nuôi khỏe mạnh, nhanh lớn.
Trùn quế có khả năng làm sạch môi trường nước và sản sinh lợi khuẩn
Dịch trùn được sản xuất bằng cách chế biến từ trùn thịt tươi nhằm lấy ra tốt nhất lượng lợi khuẩn Bacillus, các chất dinh dưỡng: Đạm, khoáng, acid amin, vitamin B, B3, B6, B12, B15… có trong trùn. Khi cho tôm, cá nuôi ăn thức ăn công nghiệp, bổ sung dịch trùn sẽ kích thích thèm ăn, bổ sung lợi khuẩn Bacillus cho tôm, cá nuôi, kích thích tiêu hóa, hấp thụ các chất dinh dưỡng trong con trùn, động vật nuôi sẽ rất khó bị các bệnh về gan, đường ruột…
Kết quả sử dụng Trùn trong nuôi tôm
Các năm qua, 100% các ao mô hình đều đạt hiệu quả cao, ổn định, kết quả của một số mô hình tiêu biểu như sau:
Mô hình 1: Trường hợp các ao nuôi chung quanh bị phân trắng. Hộ thực hiện: ông Nguyễn Khắc Huy, ở xã Xuân Cảnh (TX Sông Cầu), với diện tích ao nuôi tôm sú 3.000 m2. Ông Huy gây màu nước bằng phân trùn, khi tôm được 1 tháng tuổi cho ăn thức ăn bổ sung dịch trùn. Mặc dù tại khu vực TX Sông Cầu, tôm nuôi bị bệnh phân trắng lây lan trên diện rộng, nhưng ao mô hình tôm nuôi bằng trùn vẫn phát triển tốt, tỉ lệ sống 95,33%, thu hoạch đạt sản lượng 780 kg, doanh thu hơn 54 triệu đồng.
Mô hình 2: Ao nuôi tôm nền đáy cát khó gây màu nước. Hộ thực hiện: ông Trần Văn Sinh, ở phường 6 (TP Tuy Hòa), với diện tích ao nuôi tôm chân trắng 3.400 m2. Gây màu nước bằng phân trùn, tảo ổn định, khi tôm được 1 tháng tuổi cho ăn thức ăn bổ sung trùn thịt sấy khô, dịch trùn. Kết quả nhận thấy tôm nuôi phát triển tốt, tỉ lệ sống 97,33%, sau gần 3 tháng nuôi thu hoạch đạt sản lượng 7,3 tấn, cỡ tôm 60 con/kg, doanh thu 438 triệu đồng, thực lãi 150 triệu đồng.
Có thể khẳng định rằng, con trùn có khả năng ngăn chặn được dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản. Do vậy, đề nghị các nhà khoa học quan tâm, nghiên cứu đầy đủ hơn về con trùn, giúp bà con các giải pháp kỹ thuật, quy trình hoàn chỉnh để áp dụng nuôi đạt hiệu quả, bền vững.
DIỄM MY