Du học sinh Việt kể về cuộc sống giữa Covid-19 tại Mỹ
2021-04-06
Đối với Xuân Quỳnh, một trong những trải nghiệm đáng nhớ nhất khi du học Mỹ giữa Covid-19 là được trực tiếp tham gia tuyến đầu chống dịch.
"Tôi sang Mỹ vào tháng 8 năm ngoái, ngay lúc dịch ở cả Mỹ và Việt Nam đều khá căng thẳng", Xuân Quỳnh bắt đầu câu chuyện với VnExpress. "Tại Mỹ, ngoài thời gian học qua Zoom, tôi thực tập tại đơn vị chăm sóc giảm nhẹ và lão khoa của Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, nên thường xuyên tiếp xúc với nhiều người mắc bệnh hiểm nghèo và có cả bệnh nhân mắc Covid-19".
Xuân Quỳnh, hiện học chuyên ngành công tác xã hội lâm sàng tại Đại học Boston ở thành phố Newton theo chương trình học bổng Fulbright của chính phủ Mỹ, cho biết công việc của cô ở bệnh viện chủ yếu là hỗ trợ tâm lý cho bệnh nhân, những người phải nằm viện một mình do quy định không thăm thân để phòng ngừa Covid-19 và thậm chí cho tới khi sắp mất cũng không được về nhà.
"Lúc mới đầu làm việc với người nhiễm Covid-19, tôi rất sợ. Liên tục kiểm tra đồ bảo hộ của mình, như xem khẩu trang đã đeo kín chưa", Quỳnh kể. "Nhưng nghĩ tới hoàn cảnh của người bệnh, nghĩ tới họ cô đơn và lo sợ như thế nào, tôi lại thấy công việc của mình thật cần thiết và ý nghĩa. Tôi đã học được rất nhiều khi thực tập ở bệnh viện giữa đợt dịch".
Quỳnh cho biết cô cũng nằm trong nhóm được ưu tiên tiêm vaccine đầu tiên do đặc thù công việc thường xuyên tiếp xúc với người bệnh. "Mũi tiêm đầu không sao, nhưng sau khi tiêm mũi thứ hai, tôi bị ốm ba ngày. Đây cũng là một trải nghiệm đặc biệt khi tôi ốm khá nặng mà không có ai bên cạnh chăm sóc", cô chia sẻ.
Tại Mỹ, Quỳnh ở một mình trong căn hộ gần bệnh viện. Vì tình hình dịch bệnh, cô tuân thủ nghiêm túc các biện pháp giãn cách xã hội, không đi chơi hay gặp gỡ bạn bè nhiều, mà chỉ trò chuyện qua Zoom. "Vì vậy, việc kết bạn tại nơi sống mới cũng gặp nhiều khó khăn", cô nói.
Một sinh viên đeo khẩu trang ngồi học một mình tại khuôn viên trường đại học ở Boston, bang Massachusetts hồi tháng 9/2020. Ảnh: Boston Globe.
Vĩnh Thắng, sinh viên ngành truyền thông tại Đại học Pace, thành phố New York, chia sẻ một trong những khó khăn của anh khi sang Mỹ du học giữa dịch là việc nhiều hoạt động ngoại khóa bị cắt giảm.
"Hoạt động ngoại khóa như các trận đấu thể thao, câu lạc bộ hùng biện, các nhóm sinh hoạt kỹ năng... với sự tham gia của hàng trăm, thậm chí hàng nghìn sinh viên chính là đặc trưng hấp dẫn của môi trường đại học ở Mỹ. Nhưng đại dịch đã tước mất phần lớn trải nghiệm vô giá này của nhiều sinh viên nước ngoài", anh nói.
Sang Mỹ cùng vợ con, anh Thắng cho biết cuộc sống và việc học giữa đại dịch của mình cũng khó khăn hơn những người khác.
"Trước đại dịch, hàng ngày trẻ nhỏ được đến trường trong khi bố mẹ đi học hoặc đi làm. Nhưng một năm qua điều đó không còn nữa. Đối với những gia đình gồm hai vợ chồng cùng một hoặc hai con nhỏ rời Việt Nam sang Mỹ học ngay trước thời điểm xảy ra đại dịch, đây là một thách thức lớn và bất ngờ", anh nói.
Nhờ học bổng của chính phủ Mỹ, anh Thắng được hỗ trợ đầy đủ kể cả trong đại dịch. Dù không chịu quá nhiều gánh nặng tài chính như nhiều du học sinh khác, cuộc sống giữa đại dịch ở Mỹ của anh vẫn bộn bề nỗi lo.
"Nỗi lo lớn nhất của các gia đình du học sinh ở Mỹ, đặc biệt trong đợt dịch Covid-19, là chi phí y tế. Chi phí khám chữa và chăm sóc y tế ở Mỹ vô cùng đắt đỏ. Do đó, dù không dư dả, bất kỳ gia đình nào cũng phải mua bảo hiểm y tế vốn không rẻ. Bởi nếu không may mắc bệnh mà không có bảo hiểm, dốc cạn túi cũng không đủ trang trải", anh chia sẻ.
Chi phí điều trị y tế trung bình đối với bệnh nhân Covid-19 không có bảo hiểm hoặc nhận dịch vụ chăm sóc ngoài hệ thống sẽ thay đổi rất nhiều theo độ tuổi, 51.389 USD (hơn 1,18 tỷ đồng) với bệnh nhân từ 21 tới 40 tuổi và 78.569 USD (hơn 1,8 tỷ đồng) đối với bệnh nhân 41-60 tuổi, theo phân tích của tổ chức FAIR Health.
Chi phí nằm viện đối với bệnh nhân dưới 20 tuổi không có bảo hiểm trung bình khoảng 68.261 USD (gần 1,58 tỷ đồng), trong khi với bệnh nhân trên 60 tuổi, con số này là 77.323 USD (gần 1,8 tỷ đồng). Nhưng nếu có bảo hiểm, chi phí trung bình cao nhất phải trả đối với người trên 40 tuổi là 40.208 USD và với người từ 21 tới 40 tuổi là 26.152 USD.
Với Bảo Long, người đang theo học chương trình thạc sĩ y tế cộng đồng của Trường Y tế Cộng đồng Bloomberg, thuộc Đại học Johns Hopskin ở thành phố Baltimore, bang Maryland, cuộc sống ở Mỹ giữa đại dịch có hơi buồn chán, nhưng không quá khó khăn với anh.
"Tôi sang Mỹ học từ đầu tháng 1 năm nay. Do đã quen với việc học online từ lúc ở Việt Nam, tôi cảm thấy không bị ảnh hưởng quá nhiều vì đại dịch. Thậm chí sang đây mọi thứ còn thuận lợi hơn, vì không bị lệch múi giờ", Long kể.
Long không phủ nhận đôi lúc anh thấy mệt mỏi và buồn chán khi phải "ôm" máy tính học cả ngày ở nhà, thay vì được đến trường gặp gỡ thầy cô, bạn bè hay tham gia thảo luận nhóm trực tiếp.
"Ở nhà nhiều cũng thấy chán, nhưng ban ngày phải học nhiều nên tôi cũng hạn chế ra ngoài. Thông thường tôi chỉ ra ngoài một buổi sáng trong tuần để đi siêu thị mua đồ cho cả tuần và một buổi tới trường tham gia thảo luận. Tôi cũng ít gặp gỡ bạn bè vì lo sợ nguy cơ nhiễm Covid-19 và lây cho những người khác", anh nói.
Bảo Long thêm rằng thành phố Baltimore vào ban đêm rất nguy hiểm, nên anh hầu như không ra ngoài sau khi mặt trời lặn. Với 58 vụ giết người trên 100.000 dân, Baltimore được xem là thành phố chết chóc nhất của Mỹ, theo Wall Street Journal. Trang web 247wallst.com cũng từng liệt Baltimore vào danh sách 5 thành phố nguy hiểm nhất nước Mỹ.
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho một người đàn ông cao tuổi ở thành phố Detroit, bang Michigan cuối tháng trước. Ảnh: NYTimes.
Thu Trang, sinh viên ngành thạc sĩ giảng dạy tiếng Anh tại Đại học bang Michigan (MSU) ở thành phố East Lansing, chia sẻ cô không quá khó khăn và bất ngờ với cuộc sống du học giữa đại dịch do đã chuẩn bị tâm lý sẵn sàng từ trước.
"Để biến điều tiêu cực thành tích cực, tôi đã theo dõi cách nước Mỹ đối mặt với Covid-19 và quan trọng hơn là quan sát hệ thống dạy học online của MSU trong thời điểm này", Trang kể.
Ngoài học kiến thức, Trang còn tận dụng thời gian để nâng cao kỹ năng và công nghệ dạy trực tuyến từ thầy cô trong trường. Dù khá tiếc vì nhiều sự kiện xã hội và học thuật của trường đều chuyển sang hình thức trực tuyến để đảm bảo an toàn giữa đại dịch, cô tin chiến dịch tiêm chủng đang được đẩy mạnh ở Mỹ sẽ sớm giúp đẩy lùi Covid-19 và sinh viên sớm được quay lại trường học.
"Việc hạn chế đến những nơi đông người như nhà hàng cũng là động lực giúp tôi học nấu ăn nhiều hơn. Qua đó, tôi được ăn những món ngon, đảm bảo vệ sinh do mình nấu, đồng thời tiết kiệm được khá nhiều tiền sinh hoạt", cô chia sẻ.
Thu Trang cho biết người dân ở East Lansing tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội rất tốt, trong khi chiến dịch tiêm chủng được thúc đẩy nhanh chóng. Tới nay, các đối tượng ưu tiên của bang Michigan đã được tiêm chủng và chiến dịch tiêm chủng bắt đầu được triển khai đối với nhóm người trẻ không có tiền sử bệnh từ 16 tuổi trở lên từ ngày 5/4.
"Tôi đã đăng ký tiêm và chờ đợi ngày hẹn. Thầy cô và bạn bè của tôi cũng rất vui mừng vì việc triển khai tiêm chủng hiệu quả, nhanh chóng. Mọi người đều đang đợi đến ngày hẹn của mình để được tiêm và cùng nhau đẩy lùi Covid-19", Trang nói.