News

Doanh nhân Nguyễn Hoàng Anh: Thực hiện “mục tiêu kép”, nhiều chủ trương chưa đi được vào thực tế

Là một doanh nhân, người đứng đầu của một doanh nghiệp tôi phải tìm nhiều giải pháp để tồn tại. “Mục tiêu kép” là cần thiết nhưng chúng ta cần giải quyết được 3 vấn đề:

Không có giải pháp, cơ chế cụ thể để đồng bộ thực hiện mà chỉ có văn bản, quyết định, nghị quyết…
Ngay từ đầu, Chính phủ và lãnh đạo các địa phương, đã thể hiện tinh thần cầu thị, nhằm lắng nghe ý kiến của người dân, doanh nghiệp. Trong tinh thần đó, rất nhiều cá nhân, doanh nghiệp, các tổ chức bằng nhiều hình thức khác nhau đã đưa ý kiến tiếp cận đến các cấp lãnh đạo có trách nhiệm. Tuy vậy, tôi cho rằng việc tiếp thu để chỉnh sửa, triển khai các nội dung này không thật sự hiệu quả.
Minh chứng cho điều đó là đã có nhiều quyết định, nghị quyết được đưa ra nhưng đều bất khả thi. Các cơ quan không thực hiện cũng không có chế tài gì. Các nguyên nhân khiến cho việc triển khai không tốt cũng không được mổ xẻ kịp thời. Điều nguy hiểm là dẫn đến tình trạng các quyết định ban hành chỉ nằm trên giấy, khiến người dân dần dần phai nhạt niềm tin. Cụ thể:
– Tiền điện không giảm, không cho nợ. Cứ không trả tiền điện thì sẽ bị cắt điện.
– Không nộp thuế sẽ bị ra thông báo nợ thuế, báo lên hệ thống (sẽ có thông báo chế tài).
– Không đóng bảo hiểm xã hội sẽ tự nhân lãi suất (sẽ chế tài doanh nghiệp không giải quyết trả sổ bảo hiểm hoặc không hỗ trợ chi trả khi doanh nghiệp có lao động nghỉ việc).
– Ngân hàng thì có nơi cơ cấu, có nơi không cơ cấu, lãi suất giữ nguyên không giảm, không cho vay số tiền phát sinh mới, lãi suất quá cao; trong khi đó ngân hàng lãi khủng, nợ xấu thấp.
– Mỗi nơi ban hành một văn bản, quyết định, có khi hoàn toàn ngược nhau, gây khó khăn đủ kiểu thay vì đưa ra giải pháp phù hợp, uyển chuyển theo tình hình, dẫn đến lãng phí.
Doanh nghiệp của tôi đều vướng vào 5 nội dung trên. Tôi phân vân có nên kêu nữa không? Có nên kiến nghị nữa không? Có nên hiến kế nữa không? Hay thôi, dành thời gian để lo đối phó với 5 thứ khó khăn trên.
Để hỗ trợ doanh nghiệp, theo tôi, các cơ quan chỉ cần làm đúng, đủ các quyết định đã có. Đơn vị nào làm chậm, gây khó dễ thì nên bị kỷ luật. Khi nào những kiến nghị cũ được giải quyết, những hiến kế cũ được thực thi thì doanh nghiệp mới nên tiếp tục kiến nghị, tiếp tục hiến kế.

Dân chủ, công bằng, văn minh!
Đây là khẩu hiệu 100 triệu dân luôn hướng đến. Trước tình hình dịch bệnh nguy nan, lãnh đạo đất nước kêu gọi toàn dân nêu cao tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, đồng thời đặt ra “mục tiêu kép” vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.
Hiện tại, Chính phủ, lãnh đạo Bộ, ngành, địa phương đang chỉ đạo:
Lực lượng chống dịch đứng đầu là cán bộ chiến sỹ ngành y tế, các lực lượng khác cùng tham gia để đảm bảo đủ nhân lực khống chế và đẩy lùi dịch. Với đối tượng này, cần có những quyết định điều động, những cơ chế hậu thuẫn, những ứng xử động viên, những nguyên tắc ghi nhận từ nhà nước. Thấp nhất cũng phải được tiêm vaccine cho lực lượng này, nếu điều động từ nơi này đến nơi khác thì không phải cách ly. Nếu trong quá trình chống dịch lỡ họ có bị lây nhiễm, tử vong thì phải được tán dương, ghi nhận tích cực nhằm khích lệ tinh thần cho lực lượng này, đồng thời cũng là lẽ công bằng.
Lực lượng phát triển kinh tế, gồm cán bộ, chiến sỹ là những chủ doanh nghiệp, kế đến là đội ngũ chuyên gia, cấp quản lý, người lao động. Nhiệm vụ của họ là đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh, giữ vững ổn định, phát triển mặt trận kinh tế, tạo sinh kế để chống dịch. Họ cũng rất cần sự chia sẻ, động viên, bảo vệ như được tiêm vaccine… Có nên áp dụng phải cách ly khi họ được điều động phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh từ nơi này đến nơi khác? Nếu trong quá trình phục vụ sản xuất kinh doanh, lỡ họ có nhiễm bệnh họ cũng mong muốn được tán dương, được ghi nhận nỗ lực? Thực tế, đã ứng xử hợp lý với lực lượng này chưa?
Nếu những nhà quản lý thấy đó là điều nên làm, hãy tạo ra sự công bằng, hợp lý cho từng lực lượng. Từ đó khích lệ họ cùng chung sức thực hiện mục tiêu kép mà Chính phủ đã đề ra.

Bài toán nguồn nhân lực và vai trò của Bộ LĐTB&XH
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát và có những diễn biến phức tạp, vấn đề nguồn nhân lực luôn rất “nóng”, nhất là vào thời điểm hiện tại.
Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước có nhiệm vụ hoạch định giải pháp, hướng dẫn, thực thi trong lĩnh vực lao động, an sinh, xã hội, đến nay, Bộ LĐTB&XH chỉ mới đảm nhiệm công việc thực hiện 2 gói hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Đã vậy, cách thực hiện lại rất rắc rối, nhiều vướng mắc, đến mức một số người dân, doanh nghiệp cảm thấy phiền và không muốn tiếp cận chính sách hỗ trợ đó.
Ngoài ra, lĩnh vực bảo hiểm xã hội, công đoàn… vẫn im lìm trong khi doanh nghiệp cả nước đang kêu trời. Việc giải bài toán nguồn nhân lực cho doanh nghiệp lúc này cũng không thấy vai trò của Bộ LĐTB&XH. Rất bất thường và kỳ lạ?
Nền kinh tế Việt Nam còn lạc hậu, hạn chế về công nghệ, chủ yếu dựa vào sức lao động để phục vụ sản xuất kinh doanh. Với tình hình hiện nay, việc có các phương án, giải pháp, quy trình an toàn cho người lao động là hết sức cần thiết. Bên cạnh đó, cũng cần phải đảm bảo đời sống tinh thần cho người lao động để họ an tâm hoạt động, đồng hành cùng doanh nghiệp duy trì hoạt động trong đại dịch.
Đã đến lúc Bộ LĐTB&XH cũng phải vào cuộc mạnh mẽ nhằm góp phần thực hiện “mục tiêu kép” của Chính phủ.
 
Ông NGUYỄN HOÀNG ANH
Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Thủy sản Nam Miền Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam

Nguồn: Nông thôn Việt